Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 – 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT lập 05 dự án định canh, định cư trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án Vàm kênh Lung Ranh, huyện U Minh, Dự án Vàm kênh Ba Tĩnh, huyện Trần Văn Thời, Dự án Vàm kênh Cái Cám, huyện Phú Tân và 02 dự án sắp xếp dân cư (lồng ghép nguồn vốn chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg) gồm: Dự án Kênh Kiểm Lâm, Xẻo Quao, huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện các Dự án định canh, định cư trên địa bàn tỉnh còn rất chậm, kế hoạch đạt thấp. Đến thời điểm cuối tháng 9/2011 chỉ có 2/5 Dự án đã phê duyệt thực hiện hoàn thành một số hạng mục, nên chỉ đưa được 84/617 hộ du canh, du cư trong danh sách dự kiến của các dự án vào khu định cư, còn lại 3 Dự án chưa thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng. Trong khi, mục tiêu cụ thể của Quyết định 33/2007/QĐ-TTg là phấn đấu đến năm 2010: “100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư được tổ chức định canh, định cư theo quy hoạch…”. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT và báo cáo của UBND huyện U Minh nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do nguồn vốn đầu tư phát triển quá nhỏ so với nhu cầu của các Dự án, lại được cấp nhỏ giọt; không có quỹ đất công để xây dựng các Dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; nhiều hộ dân trong khu vực các Dự án chưa có ý thức tự giác, không giao đất cho địa phương do chưa thống nhất giá đền bù, hỗ trợ.
Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh trao đổi trực tiếp với hộ dân đang sinh sống trên đê biên Tây
Đối với Dự án định cư Vàm kênh Lung Ranh xã Khánh Hội, huyện U Minh, quy mô 7,5 ha, với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng vẫn chưa thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng. Trong khi hiện nay, trên đê biển Tây, khu vực xã Khánh Hội có 541 hộ, với 2.014 khẩu (trong đó có 106 hộ tạm trú, 153 hộ không có sổ tạm trú) hầu hết không có đất ở, không đất sản xuất, chủ yếu làm thuê sinh sống hàng ngày nên cuộc sống rất khó khăn. Qua tìm hiểu, nhiều hộ đã bày tỏ mong muốn sớm được vào khu định cư để có nơi ở ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống, song cũng không ít hộ tỏ ra băn khoăn, lo lắng không biết khi vào khu định cư phải làm gì để sinh sống vì cách xa chợ xã, trong khi ở tạm trên đê mà dễ kiếm việc làm thuê, làm mướn hoặc đưa đò, mò sò, bắt ốc… để bán kiếm tiền sống đắp đổi qua ngày. Đây là một thực trạng và là vấn đề khó đang đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu của dự án.
Danh sách các hộ dân đang sinh sống trên đê biên Tây
Mặt khác, về công tác quản lý nhà nước, nhiều địa phương còn lúng túng khi thực hiện công tác rà soát, xét chọn, lập danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách. Đối tượng áp dụng của Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg là: “Hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư”; tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện U Minh, chỉ có 46/130 hộ dự kiến đưa vào khu định cư Vàm kênh Lung Ranh là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện từng lúc chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; chưa có sự tập trung, thống nhất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong rà soát đối tượng, giải phóng mặt bằng.
Từ kết quả giám sát của Ban Dân tộc của HĐND tỉnh và báo cáo của một số sở, ngành, địa phương cho thấy việc thực hiện chính sách định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau bước đầu đạt được một số kết quả, nhưng để chính sách trên thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách; công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, việc cấp phát kinh phí; công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí các khu định canh, định cư...
Hoàng Hiền